Trong khoa Tử Vi thì các Sao Chính Tinh là quan trọng nhất, chi phối toàn bộ 12 Cung của Lá Số Tử Vi. Hôm nay Xem Tử Vi sẽ không nói đến đặc tính, tính chất của 14 Chính Tinh nữa mà sẽ cùng các bạn tìm hiểu về truyền thuyết, nguồn gốc của 14 chính tinh nhé.
Mười bốn vị Chính Tinh thực ra chỉ là những ký hiệu cho một bài toán trong Tử Vi. Nhưng đối với dân gian để cho dễ nhớ, cũng như để răn đời, họ liền ghép những ký hiệu ấy vào các nhân vật sử mà thành câu chuyện truyền thuyết Phong Thần rất đặc sắc.
Đời nhà Thương có ông vua cực tàn ác là vua Trụ. Một hôm, Trụ Vương đi săn gặp mưa lớn, để trú mưa liền vào miếu Cửu Thiên Huyền Nữ. Trụ Vương vốn thô bạo và hiếu sắc nên thấy pho tượng Cửu Thiên Huyền Nữ đẹp quá liền mê ngay, hạ lệnh cho quân sĩ vác tượng đó về xung vào đám tì thiếp của nhà vua. Mọi người tuy kính nể nữ thần nhưng họ còn sợ sự tàn ác của vua Trụ gấp bội, nên nhất loạt vâng lệnh mang Cửu Thiên Huyền Nữ về cung.
Cửu Thiên huyền Nữ giận lắm mới hoá phép biến một con hồ ly trong rừng thành người
đàn bà tuyệt sắc rồi sai đến mê hoặc Trụ Vương khiến nhà Ân phải diệt. Người đàn bà
tuyệt sắc ấy tên Đát Kỷ, vương phi sủng ái của vua Trụ. Quả nhiên, Trụ Vương say mê Đát Kỷ bỏ
quên việc triều đình, gây sáo trộn trật tự.
Cùng lúc đó, trên trời đang thiếu nhiều thần linh, Ngọc Hoàng Thượng Đế rất mừng thấy
Cửu Thiên Huyền Nữ quyết tâm diệt Ân. Ngài nghĩ một khi nước loạn tất sẽ có nhiều anh hùng,
trung thần chết vì quốc nạn. Ngài liền phái Thái Bạch Kim Tinh lập tức ra Nam Thiên Môn cầm sổ
chờ sẵn, trong cơn binh lửa đón những người chết về.
Ở phía Tây giang sơn nhà Ân có nước chư hầu dòng họ Chu giàu có thịnh vượng, văn hoá
cao. Sợ nhà Chu một ngày kia sẽ lấn áp mình nên Trụ Vương ý định ra tay trước mới mượn cớ mời
vị lãnh đạo Chu quốc là Văn Vương tới họp. Chu Văn Vương tinh thông bát quái Dịch Lý của
Phục Hi trí tuệ bậc nhất thời bấy giờ. Trụ Vương nghĩ cứ bắt Văn Vương giết đi thì mọi sự sẽ đâu
vào đấy. Khi Văn Vương đến nơi, vua Trụ cho bắt nhốt ngay chờ ngày hành quyết, kết tội Văn
Vương phản nghịch.
Con lớn Văn Vương là Bá Ấp, đẹp tuấn tú, hiên ngang, đàn bà con gái trông thấy Bá Ấp
một lần là thương nhớ khó quên. Bá Ấp rất có hiếu, nghe tin cha bị hại lòng sốn sang như lửa đốt,
ngày đêm phóng ngựa đến gặp vua Trụ để minh oan cho cha mà không hề biết hậu ý của vua Trụ.
Trụ Vương hứa ba ngày sau sẽ nói chuyện và lưu Bá Ấp ở trong cung.
Đêm khuya, Bá Ấp ngồi gảy đàn, tiếng đàn như nước chảy trên đá, buồn như chim đỗ
quyên hót nhiều đến rớm máu mắt chan hoà khắp cung điện khiến Đát Kỷ tỉnh giấc lắng nghe rồi
lần theo tiếng đàn mà tới buồng Bá Ấp. Nàng chỉ mặc trên người tấm áo lụa mỏng. Nhìn qua song
cửa, Đát Kỷ trông thấy dưới ngọn bạch lạp, một chàng trai khôi vĩ, cao sang tuyệt bậc đang chăm
chú với phím đàn. Con hồ ly tay sai của Cửu Thiên Huyền Nữ, nó vốn tính cực dâm đãng nên
chẳng chút ngần ngại mở cửa vào phòng Bá Ấp dùng cử chỉ lả lơi quyến rũ. Nào ngờ Bá Ấp
chẳng những bất động tâm, chàng còn lớn tiếng mắng Đát Kỷ là đồ đĩ đoã. Đát Kỷ bực bội vì
không được thoả mãn cũng chửi lại Bá Ấp làm náo loạn cung đình, vệ binh kéo đến bắt giữ Bá Ấp. Đát Kỷ già mồm khóc lóc nói với vua Trụ rằng mình bị Bá Ấp làm xấu, nghe tiếng đàn nàng
đứng ngoài song cửa bỗng Bá Ấp xấn tới ôm nàng kéo vào buồng. Trụ Vương cả giận, cơn ghen
bừng bừng không cần hỏi han cơ sự thực hư thế nào nữa, hét quân mang Bá Ấp ra chém rồi băm
thây ra, viên thịt nướng chả đem đến cho Văn Vương ăn.
Văn Vương trong ngục thất là người giỏi toán số đã biết rõ hết mọi chuyện xảy ra. Buổi
sáng khi quân canh mang chả nướng vào, Văn Vương ung dung ngồi ăn hết dĩa chả.
Trụ Vương thấy vậy cười ha hả nói:
- Thằng đó đúng đồ hư danh, ăn thịt con mà cũng
không biết thì có gì đáng sợ, không hiểu tại sao thiên hạ phục hắn về cái tài thần toán chiêm bốc.
Nói rồi Trụ Vương sai thả Văn Vương ra khỏi ngục. Trên đường về Chu quốc, nỗi mừng thoát nạn không sao lấp được cái buồn cha ăn thịt con
cho nên vẻ mặt bi thảm khôn tả. Đến nhà, Văn Vương tìm khu vườn cây xanh tốt, tự móc họng để
nhả những miếng chả ra. Lạ thay, thịt Ba Ấp đã biến thành một động vật lông trắng muốt, đôi tai
dài, mắt đỏ màu hồng ngọc chạy nhảy tung tăng trông hiền hậu dễ thương, đấy là con thỏ đầu tiên
của thế giới. Nó cúi đầu chào Văn Vương rồi chạy vào đám cỏ xanh mất dạng. Thái Bạch Kim Tinh đưa tay đón bắt con thỏ đưa về trời. Giữa lúc ấy thì trên một ngôi sao, hoa tường vi nở đỏ bát
ngát. Ngôi sao này là chủ tinh của một chòm sao. Do đề nghị của Thái Bạch Kim Tinh, Ngọc
Hoàng Thượng Đế liền bổ nhiệm Bá Ấp về cai quản sao Tử Vi bởi lẽ Bá Ấp hội đủ ba tính chất :
thiên lương, tôn quí và cao quí.
Văn Vương thề quyết trả thù cho con, ngày đêm nỗ lực xây dựng xứ sở, làm việc quá
nhiều Văn Vương kiệt lực chết, việc diệt nhà Ân giao vào tay Vũ Vương, em của Bá Ấp.
Vũ Vương nối nghiệp cha, ngày ngày huấn luyện binh mã, chăm lo nông nghiệp, quốc lực
tăng trưởng, nhờ vị quân sư là Khương Thượng, Vũ Vương đánh bại Trụ Vương tiêu diệt Ân triều.
Khương Thượng hiệu Tử Nha tục xưng Lã Vọng là người cao minh trí tuệ, lúc chưa đắc chí
ngồi câu cá nơi sông Vị, nghèo khổ cùng cực bị mụ vợ già chửi mắng suốt ngày. Mãi đến chín
mươi tuổi mới gặp Văn Vương mời về làm quân sư. Văn Vương chết, Khương Thượng giúp Vũ
Vương phạt Trụ.
Bình xong thiên hạ, Vũ Vương phong cho Khương Thượng cai quản đất Tề. Lúc chết, Thái
Bạch Kim Tinh mời về trời giao cho cai quản sao Thiên Cơ, bởi thế sao Thiên Cơ trong Tử Vi đẩu
số tượng trưng cho trí tuệ, quyền biến cơ mưu.
Trụ Vương tuy là bạo quân nhưng chung quanh ông có nhiều trung thần, đáng kể nhất là Tỉ
Can từng khuyên vua Trụ dứt bỏ con yêu tinh Đát Kỷ. Trụ Vương bực bội mắng Tỉ Can bất trung.
Để tỏ lòng ngay thẳng, Tỉ Can nói với Trụ Vương:
- Nếu bệ hạ không tin lời, thần xin đem tấm
lòng son sắt dâng lên bệ hạ.
Nói xong Tỉ Can cầm dao tự đâm vào ngực moi tim đưa cho Trụ Vương.
Tỉ Can chết, Thái Bạch Kim Tinh thương lắm tới đón về trời giao cho cai quản tinh cầu
sáng rực, cực quang minh chính đại là sao Thái Dương.
Khương Thượng, Bá Ấp, Tỉ Can đã xong, còn Văn Vương, Vũ vương ra sao?
Vũ Vương lên ngôi thi hành thiên chính, sống rất thọ. Khi chết, Thái Bạch Kim Tinh nhận
công nghiệp vũ dũng đánh dẹp bạo quân rất xứng đáng với sao Vũ Khúc nên dâng sớ xin Ngọc
Hoàng đặt Vũ Vương nơi ấy. Vũ Vương chẳng những là người dũng cảm lại giỏi về kinh tế khiến
cho đời sống dân gian sung túc. Do vậy Vũ Khúc còn là sao chủ về tiền bạc giàu có trong Tử Vi
đẩu số.
Thảo phạt Trụ Vương là Vũ Vương, nhưng nếu không có những công lao bước trước của
Văn Vương thì đại sự cũng chẳng thành. Hầu hết các nhân vật tài giỏi giúp Vũ Vương đều do Văn
Vương để lại. Thái Bạch Kim Tinh nhận thấy Văn Vương xứng đáng là một vị thần giỏi dung hoà
xếp đặt, tính tình ôn thuận nên cho về cai quản ngôi sao Thiên Đồng.
Bên cạnh vua Trụ có tên đại gian thần là Phí Trọng dùng nịnh nọt và gian kế đã giết chết
nhiều trung thần của Ân triều nhằm nắm đại quyền quốc gia. Khi Ân triều diệt vong, Phí
Trọng bị Khương Thượng bắt đem chém đầu. Ngày hành hình trên trời thiếu thần trị nhậm sao
Liêm Trinh, Thái Bạch Kim Tinh liền dùng Phí Trọng làm vị thần của mọi sự tà ác. Trong Tử Vi
đẩu số, Liêm Trinh chủ về những sự việc lắt léo không ngay thẳng, tàn nhẫn.
Trụ Vương có một vị chính thức nguyên phối hoàng hậu họ Khương là người đàn bà hiền
thục tài năng. Từ ngày Đát Kỷ xuất hiện, bà Khương hậu bị vua Trụ bỏ rơi, do sự xúi bẩy của Đát
Kỷ, Trụ Vương giết luôn bà Khương hậu. Thái Bạch Kim Tinh đón vong hồn Khương hậu cho cai
quản một tinh cầu đầy vật sản phì nhiêu là sao Thiên Phủ.
Trong Tử Vi đẩu số, sao Thiên Phủ mang tính chất tài năng và từ bi.
Ân triều có ông quan trung nghĩa tên Hoàng Phi Hổ có người vợ họ Giả, nhan sắc diễm lệ,
nức tiếng xa gần. Lệ triều đình hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán, các quan phải cùng đi với
phu nhân vào bái yết quốc vương. Giả phu nhân theo chồng vào cung. Đát Kỷ thấy Giả phu nhân
nói chuyện duyên dáng lại đẹp nên đố kỵ, bảo vua Trụ mời bà ở lại dự dạ yến để lập kế hại.
Rượu say, Trụ Vương chẳng giữ lễ vua tôi gì nữa, chạy lại ôm lấy Giả phu nhân mà ép nài
chuyện bậy bạ. Vốn là người đàn bà trọng tiết tháo, không chịu được nhục nhã, bà bỏ chạy cùng
đường phải lao mình từ trên lầu cao xuống đất tự tử. linh hồn Giả phu nhân bay lên trời, Thái
Bạch Kim Tinh đặt bà làm nữ thần của sự thanh khiết, cho đến trú ngụ nơi sao Thái Âm. Từ khi
bà về tới thì tinh cầu này trở nên gọn ghẽ, sáng sủa và rất sạch.
Thái Âm tinh trong khoa Tử Vi tượng trưng cho thanh khiết, sáng đẹp và ưa sạch sẽ.
Đát Kỷ, nữ yêu chủ chốt của nhiều biến cố, số phận ra sao?
Xuất thân là con hồ ly hầu hạ Cửu Thiên Huyền Nữ qua danh nghĩa ái nữ của một đại thần
nên lọt vào cung đình, dùng tửu sắc mê hoặc Trụ Vương. Đát Kỷ gây nhiều tai hoạ, bị Khương Tử
Nha xử tử hình. Thái Bạch Kim Tinh cho bắt vong hồn Đát Kỷ về phong làm thần dục vọng, ác
liệt, hoang đàng để cai quản sao Tham Lang. Tinh cầu này đầy chó sói hung dữ không thần nào trị
nổi chúng. Nhưng lúc Đát Kỷ tới nơi thì chúng reo mừng. Trong Tử Vi đẩu số, sao Tham Lang mang tính chất điếm đàng tửu sắc, ưa phung phí ăn chơi,
tượng trưng người đàn bà phá hoại chồng con, vô tài, bất đức.
Khương Tử Nha ngoài bảy mươi tuổi mới lấy người con gái lỡ thì năm ấy cũng đã hơn năm
mươi tuổi tên Mã Thiên Kim. Kể từ ngày chung sống gia cảnh cực thanh bần, nhiều bữa không có
cơm ăn. Mã Thiên Kim là người đàn bà thô tục, lăng loàn, vụng về chỉ vì nhờ chút tiền duyên nên
lấy được Khương Thượng. Sau mười mấy năm, nghèo quá chịu không nổi, Mã Thiên Kim bỏ
Khương Thượng. Lã Vọng bấm tay tính số biết lúc con vợ lăng loàn thô tục ra đi chính là lúc vận
xấu của ông cũng hết và Khương Thượng một sớm một chiều trở thành quân sư của Văn Vương.
Nghe tin, Mã Thiên Kim vừa tiếc vừa hối hận, thắt cổ tự tử. Lã Vọng nghĩ tình cũ nghĩa
xưa, cho người làm tang ma tống táng, hồn phách Mã Thiên Kim được Thái Bạch Kim Tinh dùng
làm nữ thần coi các việc thị phi, cấp cho nhà ở nơi sao Cự Môn.
Trong đám trung thần bên cạnh Trụ Vương còn có Văn Thái Sư làm tể tướng và đại
nguyên soái của Ân triều. Quân nhà Ân bị Chu quân đánh thua, Văn Thái Sư chết tại trận tiền.
Vong hồn lên trời được Thái Bạch Kim Tinh cho cai quản sao Thiên Tướng.
Bất luận ai, theo lý ra phải sau khi chết mới được làm thần, chỉ riêng Lý nguyên soái đại
tướng của nhà Chu là Thái Bạch Kim Tinh theo lệnh Ngọc Hoàng, xuống mời về làm thần ngay
lúc ông còn sống. Nơi trị nhậm của Lý nguyên soái là Thiên Lương Tinh.
Hoàng Phi Hổ uất ức vụ vua Trụ làm nhục vợ mình gây ra cái chết oan uổng cho Giả phu
nhân nên nổi lên đem binh mã đánh lại Trụ vương rồi đầu hàng Vũ Vương. Ông đánh trận rất
hăng dành được nhiều chiến thắng lớn. Cuối cùng Hoàng Phi Hổ chết thảm trong trận Thằng Trì. Thái
Bạch Kim Tinh đón vong hồn Phi Hổ về cai quản sao Thất Sát và phong làm thần chiến tranh
chuyên coi việc sát phạt.
Sau chót là Trụ Vương vì mê Đát Kỷ, hãm hại trung thần bị Vũ Vương khởi binh phạt tội.
Vũ Vương tấn công vào tận cung điện Trụ Vương. Hết đường chạy, Trụ Vương leo lên lầu cao nổi
lửa đốt hết và chết trong đám cháy. Trụ Vương chết rồi, Thái Bạch Kim Tinh cho mang vong hồn về sao Phá Quân, phong làm
thần phá hoại.
Trong Tử Vi, Phá Quân tượng trưng cho tính hung bạo, ngang ngược.
Tổng kết lại, ta có thể nhận định như sau:
- Sao Tử Vi là Bá Ấp, thần của khí chất tôn quí.
- Sao Thiên Cơ là Khương Thượng, thần của trí tuệ, tinh thần.
- Sao Thái Dương là Tỉ Can, thần của quang minh, bác ái.
- Sao Vũ Khúc là Vũ Vương, thần của vũ dũng đại phú.
- Sao Thiên Đồng là Văn Vương, thần của dung hoà, ôn thuận.
- Sao Liêm Trinh là Phí Trọng, thần của tàn ác, lươn lẹo.
- Sao Thiên Phủ là Khương hoàng hậu, thần của tài năng, từ bi.
- Sao Thái Âm là Giả phu nhân, thần của tinh khiết, trinh thảo và sạch sẽ.
- Sao Tham Lang là Đát Kỷ, thần của dục vọng, vật chất.
- Sao Cự Môn là Mã Thiên Kim, thần của thị phi, nghi hoặc.
- Sao Thiên Tướng là Văn Thái Sư, thần của từ ái, trung trinh.
- Sao Thiên Lương là Lý Thiên Vương, thần của quản trị, tổ chức, xếp đặt.
- Sao Thất Sát là Hoàng Phi Hổ, thần của uy nghiêm, quyết liệt.
- Sao Phá Quân là Trụ Vương, thần của phá hoại, tiêu hao.
Tài liệu tham khảo: Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư - Vũ Tài Lục
Khi Comment hãy click vào "Thông báo cho tôi" để theo dõi phản hồi mới nhất từ admin.
Hiện EmoticonẨn Emoticon